Những vật dụng an toàn không thể thiếu khi nhà có trẻ con

1. Chốt an toàn

Thêm chốt, khóa an toàn ở các cánh tủ và ngăn kéo là một trong những cách dễ nhất để giữ cho các ngón tay non nớt của bé tránh xa khỏi các nguy hiểm tiềm tàng ở những nơi này. Hãy chú ý hơn đến các tủ ở vị trí thấp trong phòng bếp và phòng tắm vì đây thường là khu vực cất các chất tẩy rửa hóa học và các vật sắc nhọn như dao, kéo…



Khi chọn chốt an toàn, bạn nên tìm loại chốt phù hợp với phong cách của tủ và ngăn bếp, đồng thời đảm bảo độ bền và sự tiện lợi cho người lớn khi sử dụng. Cũng nên tính đến việc loại chốt nào để lại ít “hậu quả” nhất khi tháo ra vào lúc bé đã lớn và không cần dùng chốt an toàn nữa.

2. Chặn cửa, chặn cầu thang

Với một em bé biết trườn, bò hay biết đi thì tấm chặn cửa là vật dụng hữu hiệu để khoanh vùng khu vực an toàn và ngăn bé di chuyển đến những nơi có thể gây nguy hiểm trong nhà. Bạn có thể đặt chặn cửa ở cửa phòng ngủ của bé hay phòng tắm, phòng bếp, hai đầu cầu thang… và một số nơi khác tùy theo sự bố trí trong nhà của bạn.



Chặn cửa thông thường được làm từ các thanh gỗ dọc có độ cao khoảng 80 – 100 cm. Các thanh gỗ được đóng song song với nhau và khoảng cách hợp lý để bé không bị kẹt tay mà vẫn có thể nhìn ra bên ngoài được. Ngoài chất liệu gỗ, hiện nay chặn cửa còn được làm bằng nhựa và inox.

3. Thảm chống trơn

Trong phòng tắm nhà bạn nên để ít nhất một tấm thảm chống trơn ở sàn nhà và một tấm ở trong bồn tắm (nếu có) để phòng tránh nguy cơ bé trượt chân gây tổn thương cơ, xương hoặc có thể bị sặc nước. Hiện nay trên thị trường có bán sẵn các tấm chống trơn trong bồn tắm có hình thù rất ngộ nghĩnh phù hợp với ý thích của bé.

4. Đai giữ đồ vật

Khi bé bắt đầu học đứng, học đi là thời gian mà bạn nên gia cố “độ kết nối” giữa các thiết bị và đồ đạc nặng với tường nhà bằng một, hai dây đai thật chắc chắn. Bởi khi bám tay vào các đồ vật như giá sách, tủ, bàn, ghế… bé có xu hướng kéo các đồ vật này về phía mình và nếu không được giữ cố định một cách chắn chắn, chúng có thể đổ vào người bé.

5. Miếng bịt ổ điện

Nếu trong nhà có ổ điện bố trí ở vị trí thấp hoặc ở nơi bé có thể với được, bạn nên sử dụng miếng bịt ổ điện để ngăn ngừa nguy cơ bé chọc tay hay đồ chơi kim loại vào gây ra giật điện. Miếng bịt ổ điện thường được làm bằng nhựa, có loại có thêm khóa an toàn hiện có thể dễ dàng tìm mua ở thị trường Việt Nam.



6. Miếng bịt cạnh bàn

Không chỉ những vật sắc nhọn như dao, kéo mà cạnh bàn, cạnh ghế cũng có thể gây đau, chảy máu cho bé. Đây là những nơi bé rất dễ va chân, tay và thậm chí cả đầu trong khi di chuyển hoặc chơi đùa.

7. Tủ thuốc

Không ít trường hợp bé tưởng thuốc con nhộng là kẹo, nuốt nhầm thuốc người lớn, bôi thuốc vào mặt… do cha mẹ bất cẩn để thuốc ở giường ngủ, bàn và những nơi bé có thể nhìn thấy. Bởi vậy, cất giữ tất cả các loại thuốc của gia đình trong một tủ chuyên dụng được khóa kín và treo trên cao ngoài tầm với của bé là điều cần thiết để bảo vệ sự an toàn của con bạn.

Ngoài ra, bạn cần phải chắc chắn rằng mình luôn bỏ những loại thuốc cũ, thuốc hết hạn và các hóa chất độc hại vào thùng rác được đậy chặt nắp chứ không phải vứt bừa bãi ở sọt rác trong nhà tắm hay ở nơi mà bé có thể lấy được.

9 "độc tố" ở trong nhà đe dọa bé mà cha mẹ dễ chủ quan